PHÚ MỸ HƯNG – HÀNH TRÌNH KHÁT VỌNG

Hành Trình Khát Vọng của khu đô thị Phú Mỹ Hưng bắt đầu từ hơn 30 năm trước, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Để “mở cửa” nền kinh tế, TP.HCM nỗ lực tìm kiếm, kêu gọi hợp tác đầu tư nước ngoài. Tập đoàn Mậu dịch Trung ương Đài Loan (CT&D – nay có tên là Phú Mỹ Hưng Asia Holdings) là một trong những nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên thể hiện sự quan tâm và nghiêm túc đối với lời kêu gọi của TP.HCM.

Sự hợp tác giữa UBND TP.HCM (đại diện là Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận – IPC) và CT&D dẫn đến sự ra đời của nhiều dự án Khu chế xuất Tân Thuận, đại lộ Nguyễn Văn Linh, Nhà máy Điện Hiệp Phước (100% vốn CT&D)… Đây đều là những dự án kinh tế trọng điểm, mang tính tiên phong trong hợp tác đầu tư với nước ngoài, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng đất phía Nam thành phố và là tiền đề của dự án Khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Năm 1991, Khu chế xuất Tân Thuận, dự án liên doanh đầu tiên giữa IPC và CT&D được cấp giấy phép đầu tư. Một năm sau đó, dự án được khởi công xây dựng trên khu đất 300ha, thuộc xã Tân Thuận Đông, huyện Nhà Bè xưa (thuộc quận 7 ngày nay).

Ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên tổng giám đốc IPC, người trực tiếp tham gia xây dựng đề án Khu chế xuất Tân Thuận, cho biết: “Khu chế xuất Tân Thuận là dự án khu chế xuất, khu công nghiệp đầu tiên ở Việt Nam nên không chỉ mở ra hướng giải quyết việc làm cho người lao động, thu hút ngoại tệ mà còn góp phần to lớn vào việc mở đường cho chính sách hợp tác, đầu tư nước ngoài. Dự án này còn mở đường cho sự phát triển của vùng đất Nhà Bè, bởi ngay trong giấy phép đầu tư của khu chế xuất, chúng tôi đã thiết kế một con đường nối từ đông sang tây của khu vực phía nam thành phố”.

Đó là đại lộ Nguyễn Văn Linh, tuyến đường dài 17,8km, lộ giới 120m, băng qua vùng đầm lầy, nối từ Khu chế xuất Tân Thuận (bắc Nhà Bè xưa) đến quốc lộ 1A (nam Bình Chánh). Đại lộ Nguyễn Văn Linh được khởi công xây dựng vào năm 1996, hoàn thành vào năm 2007, trở thành trục giao thông huyết mạch của TP.HCM, nối liền các vùng kinh tế trọng điểm giữa miền Đông – Tây Nam Bộ và là xương sống cho sự phát triển của khu vực phía nam thành phố.

Đề án đại lộ Nguyễn Văn Linh cũng mở ra ý tưởng về việc phát triển những cụm đô thị dọc theo tuyến đường này. Các nhà lãnh đạo liên doanh IPC và CT&D đã hiện thực hóa ý tưởng đó bằng việc tổ chức cuộc thi Quy hoạch quốc tế Nam Sài Gòn vào năm 1993, thu hút nhiều công ty thiết kế nổi tiếng trên thế giới tham gia.

Kết quả, đồ án quy hoạch tổng thể khu đô thị Nam Sài Gòn 2.600ha, với 21 phân khu chức năng do Công ty Skidmore, Owings & Merrill (Mỹ) quy hoạch tổng thể, cùng với sự tư vấn kỹ thuật của Koetter Kim & Associates (Mỹ) và Kenzo Tange & Associates (Nhật Bản) đã được chọn. Ngày 8-12-1994, Quy hoạch tổng thể đô thị mới Nam Sài Gòn được Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt phê duyệt tại quyết định số 749/TTg.

Trên cơ sở đó, năm 1993, IPC và CT&D tiếp tục liên doanh để thành lập Công ty Phú Mỹ Hưng với hai chức năng lớn: xây dựng đại lộ Nguyễn Văn Linh và xây dựng 5 cụm đô thị (A, B, C, D, E) dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh, theo đồ án Quy hoạch tổng thể khu Nam Sài Gòn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án khu đô thị Phú Mỹ Hưng chính thức được triển khai, trong kỳ vọng lớn lao của những nhà lãnh đạo đương thời: đánh thức tiềm năng của vùng đất Nam Sài Gòn, tạo tiền đề cho sự phát triển của thành phố hướng ra Biển Đông.

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng là một trong 21 phân khu chức năng theo Quy hoạch tổng thể Nam Sài Gòn, có diện tích 433ha, thuộc xã Phú Mỹ, huyện Nhà Bè xưa. Cũng như phần lớn diện tích đất của Nhà Bè vào thời điểm đó, khu đô thị Phú Mỹ Hưng là một vùng đầm lầy, ngập nước, dân cư sống thưa thớt, đời sống bấp bênh, sản xuất nông nghiệp hầu như không mang lại nhiều giá trị kinh tế.

“Nhiều người ủng hộ, cũng nhiều ý kiến phản đối khi chúng tôi xây dựng các đề án con đường Nguyễn Văn Linh và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Tôi nhớ không ít lãnh đạo tỏ ra ngần ngại trước đề xuất xây dựng một con đường rộng lớn đi qua vùng đất hoang vu, bảo làm đường đó cho ai đi. Nhiều chuyên gia cũng lắc đầu cho rằng, Nhà Bè là đất “không chân”, xây dựng những công trình đô thị ở đây là không thể”, ông Phan Chánh Dưỡng kể lại.

Công ty Phú Mỹ Hưng (chủ đầu tư Khu đô thị Phú Mỹ Hưng) đã từng bước làm nên điều không thể đó. Sau năm 1993, Phú Mỹ Hưng bắt đầu triển khai việc san lấp và xây dựng cơ sở hạ tầng bằng những kỹ thuật và công nghệ tốt nhất ở thời điểm đó.

“Khái niệm về một không gian sống với đầy đủ các chức năng như cư trú, văn hóa, giáo dục, tài chính, kinh tế, thương mại, giải trí… bắt đầu được nhiều người biết đến chính từ sự hình thành và phát triển của Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, một đô thị được quy hoạch khoa học, bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế”, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển TP.HCM, chia sẻ.

Hành trình kiến tạo không gian sống của Phú Mỹ Hưng được đẩy mạnh trong những năm tiếp theo. Từ những năm 2000 – 2008, nhiều công trình tiện ích được xây dựng và đi vào hoạt động như Trung tâm thương mại Crescent Mall, hồ Bán Nguyệt, cầu Ánh Sao, Bệnh viện FV, Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), công viên Cảnh Đồi, công viên Nam Viên… cùng với các hoạt động cộng đồng được tổ chức như Đi bộ từ thiện Đinh Thiện Lý, Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng, Hướng về trẻ em… đã mang lại đời sống sinh động cho khu đô thị.

Năm 2008, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng được Bộ Xây dựng công nhận là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên tại Việt Nam.

Ở giai đoạn kế tiếp của cuộc hành trình, Phú Mỹ Hưng tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân với những sản phẩm nhà ở được nâng cấp chất lượng, tiện ích qua từng dự án. Công tác vận hành, quản lý cũng được chủ đầu tư Khu đô thị Phú Mỹ Hưng đặc biệt chú trọng. Gần 1.000 nhân sự cho công tác bảo an, hàng trăm nhân sự cho công tác vệ sinh, hàng trăm nhân sự cho công tác cây xanh, và hàng trăm nhân sự quản lý bảo trì, quản lý khu phố làm việc ở Phú Mỹ Hưng mỗi ngày, đã góp phần làm nên một đô thị Phú Mỹ Hưng an ninh, sạch đẹp.

Sau gần 30 năm xây dựng, từ một vùng đầm lầy hoang sơ, Phú Mỹ Hưng đã vươn mình trở thành một đô thị hiện đại, đáng sống tại Việt Nam, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, giải trí, giáo dục… của khu vực phía nam thành phố.

Ở tuổi 30, diện mạo của Khu đô thị Phú Mỹ Hưng dần trở nên hoàn chỉnh. Tiện ích xã hội và hạ tầng cơ sở không ngừng được nâng cấp, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững đô thị theo chiều sâu, đô thị thông minh, đô thị xanh.

Ở tuổi 30, Phú Mỹ Hưng đưa vào hoạt động nhiều công trình đẳng cấp như: Phu My Hung Tower, Crescent Mall 2; SECC giai đoạn 2… Các dòng sản phẩm nhà ở cao cấp cũng xuất hiện trong giai đoạn này, nổi bật có thể kể đến như khu phức hợp Midtown, The Ascentia, The Antonia, The Horizon… Tính đến nay, Phú Mỹ Hưng đã cung cấp cho thị trường hơn 110 dự án nhà ở, với hơn 20.000 sản phẩm.

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng hiện tại là nơi an cư của khoảng 39.000 cư dân, trong đó có khoảng 31% là người nước ngoài; là nơi làm việc của hàng chục ngàn lao động khi thu hút rất nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đặt văn phòng, trụ sở tại đây; là môi trường học tập của hơn 15.000 học sinh, sinh viên với hàng chục cơ sở giáo dục, trường học, đa dạng loại hình, cấp bậc đào tạo;  là trung tâm vui chơi, mua sắm, giải trí, và tận hưởng các tiện ích… của nhiều người dân TP.HCM và các khu vực lân cận.

Hành trình 30 năm của Phú Mỹ Hưng xứng đáng được gọi tên là Hành Trình Khát Vọng –  khát vọng của một dự án mang dấu ấn tiên phong, khát vọng của sự vươn lên của một vùng đất, khát vọng của ước mơ phát triển thành phố hướng ra Biển Đông.

Nguồn: Tuổi trẻ
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x